Người bị thiếu máu không nên ăn và uống gì?

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Căn bệnh này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chế độ ăn uống là điều rất quan trọng. Không phải ai cũng biết bị thiếu máu không nên ăn, uống gì, thậm chí, họ còn dung nạp những loại thực phẩm khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến chứng rối loạn máu. Vậy để hiểu rõ người thiếu máu không nên ăn, uống gì, bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Bệnh thiếu máu là gì? Dấu hiệu của bệnh thiếu máu

Bệnh thiếu máu là tình trạng lượng hồng cầu trong máu thấp hơn mức bình thường, bên cạnh đó, lượng hemoglobin trong hồng cầu suy giảm, loại protein này chịu trách nhiệm vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và tế bào khác trong cơ thể. Vì vậy, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe như: sa sút trí tuệ, suy tim, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ tử vong….

Khi bị thiếu máu, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như: Hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai; da xanh xao nhợt nhạt; hồi hộp, tim đập nhanh; chán ăn, rối loạn tiêu hóa; vô kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới; rụng tóc, dễ bị gãy móng tay…

>>Xem thêm: Những loại thực phẩm hỗ trợ người thiếu máu, giúp bổ máu

Những loại thực phẩm người thiếu máu không nên ăn

1. Các loại thực phẩm giàu canxi

Canxi là chất có lợi cho cơ thể, hạn chế các tình trạng loãng xương, tuy nhiên, người thiếu máu không nên ăn thực phẩm chứa nhiều canxi cùng với thực phẩm chứa nhiều sắt vì loại khoáng chất này có khả năng ức chế quá trình hấp thụ sắt ở niêm mạc ruột. Người bị thiếu máu nếu ăn quá nhiều canxi sẽ dẫn đến nguy cơ đông máu và tử vong. Người bệnh cần lưu ý, canxi là một khoáng chất quan trọng cho sức khỏe của xương và răng nên bạn không được cắt bỏ hoàn toàn canxi khỏi chế độ ăn uống mà nên cân nhắc phân bổ thời điểm tiêu thụ canxi và thực phẩm giàu sắt trong ngày sao cho hợp lý. Để giảm thiểu sự cạnh tranh giữa hai loại khoáng chất này trong hệ tiêu hóa, người bệnh có thể ăn thực phẩm giàu sắt vào buổi sáng và trưa, sau đó ăn thực phẩm giàu sắt vào buổi tối.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều canxi mà người bệnh thiếu máu cần hạn chế để ngăn tình trạng bệnh tiến triển xấu đi như: cải ngọt, rau dền, hải sản, sữa chua, phô mai, sữa bò tươi, đậu hũ, đậu nành…

Người bị thiếu máu không nên ăn và uống gì? 1
Người bệnh thiếu máu không nên ăn thực phẩm chứa nhiều canxi và sắt trong cùng một bữa ăn. (Ảnh: monkey.edu.vn)

2. Nhóm thực phẩm, đồ uống có nhiều tanin

Tanin là một dạng polyphenol, có nhiệm vụ tạo liên kết cùng protein. Tanin là hợp chất tương đối tốt cho sức khỏe tuy nhiên tác dụng phụ của chúng là dễ dàng tạo ra phản ứng hóa học với sắt từ đó sinh ra muối khó tan, gây ức chế trực tiếp quá trình tổng hợp và hấp thụ sắt trong cơ thể. 

Tanin mặc dù gây trở ngại cho việc hấp thụ sắt nhưng chúng cũng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa ung thư. Vì vậy, bạn không nên loại bỏ hoàn toàn tanin ra khỏi chế độ ăn uống mà cần điều chỉnh cách tiêu thụ để giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với việc hấp thu sắt.

Một số loại thực phẩm chứa tanin mà người thiếu máu nên hạn chế, thận trọng khi dung nạp như: trà xanh, trà đen, nho, cà phê, rượu vang,…

Người bị thiếu máu không nên ăn và uống gì? 2
Tanin gây ức chế quá trình tổng hợp và hấp thụ sắt trong cơ thể. (Ảnh: congthuong.vn)

3. Thực phẩm giàu axit oxalic 

Axit oxalic khi kết hợp với sắt trong thực phẩm tạo thành các phức chất kém hấp thu, từ đó giảm khả năng hấp thu sắt vào cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào hồng cầu và gây ra tình trạng thiếu máu. Một số loại thực phẩm chứa axit oxalic như: rau xanh (cải bó xôi, rau dền, rau đay…), rau củ quả (củ cải đỏ, cà chua, cà rốt, bắp cải…), các loại hạt, đậu (đậu phộng, hạt điều, hạnh nhân…), ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch,…), socola, hạt tiêu, hành tây…

Thực phẩm giàu axit oxalic cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác và có lợi cho sức khỏe, vì vậy bạn cũng không nên loại bỏ hoàn toàn chúng khỏi chế độ ăn uống mà cần cân nhắc điều chỉnh thời điểm tiêu thụ để giảm ảnh hưởng tiêu cực đến việc hấp thụ sắt.

4. Thực phẩm chứa gluten

Gluten gây ra tình trạng viêm đường tiêu hóa, gây sự tổn thương các tế bào niêm mạc ruột, giảm khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm. Những thực phẩm người bị thiếu máu nên kiêng chứa gluten bao gồm: lúa mì, lúa mạch, bánh mì…

Tuy nhiên, bạn không cần kiêng hoàn toàn gluten vì chúng có trong cả lúa mì và lúa mạch mà bạn cần cắt giảm bớt các loại thực phẩm có chứa nhiều gluten như mì ống hoặc ngũ cốc, bánh mì để hạn chế những nguy cơ thiếu máu đến từ gluten.

5. Thực phẩm giàu phytate

Phytate là hợp chất có khả năng ức chế sự hấp thu sắt mạnh mẽ được tìm thấy trong thực phẩm, phytate là một hợp chất hữu cơ tự nhiên được tìm thấy chủ yếu trong các loại hạt, các loại đậu và ngũ cốc. Khi vào hệ tiêu hóa, phytate có khả năng kết hợp với sắt và một số khoáng chất khác, tạo thành các phức hợp khiến cơ thể không thể hấp thu được, khiến cho khả năng hấp thu sắt giảm, bệnh thiếu máu trở nên trầm trọng hơn. 

Nếu muốn giảm lượng phytate trong thực phẩm, bạn có thể ngâm ngũ cốc, đậu, hạt trong nước qua đêm trước khi nấu, hoặc nấu chín mềm các loại hạt, đậu cũng có thể giúp giảm lượng phytate.

Người bị thiếu máu không nên ăn và uống gì? 3
Nên ngâm các loại đậu, đỗ qua đêm rồi nấu để giảm lượng phytate. (Ảnh: songkhoe360.vn)

6. Không nên uống rượu, bia

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc uống nhiều rượu, bia chính là yếu tố khiến tình trạng thiếu máu diễn biến xấu đi, gây tổn thương đến các tế bào hồng cầu có sẵn trong cơ thể. Rượu cản trở sự hấp thu folate, loại vitamin B này thúc đẩy quá trình tuần hoàn và phân chia hồng cầu một cách tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cơ thể sản sinh hồng cầu trong tương lai. Bên cạnh đó, rượu bia làm ảnh hưởng lớn đến gan bởi cơ quan này là nơi cung cấp sắt, nếu thiếu sắt thì tình trạng thiếu máu không thể cải thiện.

Lưu ý khi chế biến món ăn dành cho người bệnh thiếu máu

Bệnh nhân thiếu máu thường bổ sung sắt cho cơ thể thông qua các nhóm thực phẩm khác nhau như: gia cầm, cá, thịt lợn, trứng…tuy nhiên không nên chế biến quá kĩ, trên nền nhiệt lớn trong thời gian dài. Nhiệt độ sẽ tự khiến sắt bị phân hủy dẫn đến ảnh hưởng chất lượng thực phẩm nạp vào cơ thể. 

Để hấp thụ được tối đa lượng sắt có trong thực phẩm, chúng ta nên dùng các phương pháp làm chín vừa phải như hấp hoặc xào, tuyệt đối không nên nấu chung thực phẩm giàu sắt với thực phẩm giàu canxi vì chúng sẽ gây ức chế lẫn nhau.

Trên đây là những nhóm thực phẩm mà người bị thiếu máu nên hạn chế, thận trọng khi ăn để giảm thiểu tình trạng bệnh diễn biến nặng. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ cũng như chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống để phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân, góp phần cải thiện bệnh thiếu máu.

Bài viết liên quan