Được mệnh danh là “vàng mềm” của vùng cao nguyên Tây Tạng, đông trùng hạ thảo là một trong những vị thuốc đông y quý cực kỳ nổi tiếng về cả tác dụng lẫn giá trị. Những tác dụng của loại dược liệu này đã được chứng minh và ứng dụng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước mạnh về y học cổ truyền như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…. Dược tính của đông trùng hạ thảo được sử dụng hỗ trợ điều trị cho nhiều căn bệnh và còn có thể dùng như một chất bồi bổ, nâng cao sức khỏe con người. Hãy cùng đi tìm hiểu rõ hơn về sinh vật rất đặc biệt này của thế giới tự nhiên, một kiệt tác thể hiện sự “tài tình” của tạo hóa.  

Giới thiệu về đông trùng hạ thảo

Cái tên “yartsa gunbu” đã được người Tây Tạng dùng để gọi đông trùng hạ thảo, dịch nôm na thì cũng gần như trùng khớp với các ngôn ngữ khác, đó là “cỏ mùa hè, sâu mùa đông”, người Trung Quốc thì gọi ngắn gọn “trùng thảo”. 

Tuy luôn xuất hiện từ “trùng” và “thảo”, nhưng thực chất thì đông trùng hạ thảo không phải là sâu mà cũng chẳng phải cỏ, nó là một loài nấm. Đó chính nấm Ophiocordyceps sinensis sống ký sinh trên thân sâu bướm tên Hepialus Armoricanus, thuộc chi bướm ma Thitarodes.

Khí hậu và thổ nhưỡng vùng cao nguyên Tây Tạng gần như là nơi duy nhất đạt đủ điều kiện để đông trùng hạ thảo tự nhiên sinh trưởng, phát triển. Dù trên thực tế còn rất nhiều loài nấm có cơ chế ký sinh như Ophiocordyceps sinensis (ít nhất là 507 loài đã biết), nhưng chỉ có giống Cordyceps Sinensis và Cordycep Militaris (loại được nuôi cấy nhân tạo) mới được gọi là đông trùng hạ thảo.

Nhiều tài liệu đã cho thấy đông trùng hạ thảo được quảng bá ra ngoài Tây Tạng ít nhất từ thế kỷ 15. Ở thời điểm đó, nó nổi tiếng nhất với khả năng thúc đẩy sản xuất tinh dịch ở nam giới, có thể hiểu là tăng cường sinh lý phái mạnh. Chính vì vậy nên đến thế kỷ 17, đông trùng hạ thảo trở thành loại “thần dược” cho các quý tộc, vua chúa sử dụng để phục vụ chuyện “chăn gối”, đặc biệt là ở Trung Quốc. Một lý do nữa là vì tính “độc nhất” của khu vực sinh trưởng và độ khó trong quá trình khai thác mà giá thành của đông trùng hạ thảo cực đắt, chỉ có những đối tượng giàu có kể trên mới có thể sở hữu nó. 

Các giai đoạn phát triển của đông trùng hạ thảo

Hiếm có vị thuốc nào lại có cái tên để lại ấn sâu sắc cho người nghe mỗi khi được nhắc đến như đông trùng hạ thảo. Bởi chính cái tên đó đã miêu tả khái quát quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dược liệu này. “Đông trùng, hạ thảo” được chia thành 2 phần rõ rệt là “đông trùng” – phần con, và “hạ thảo” – phần cây. 

Khi ở mùa đông bao phủ cao nguyên Tây Tạng, ấu trùng bướm của loài Hepialus Armoricanus vẫn thong dong sinh sống bên dưới những cánh đồng cỏ màu mỡ, nhưng nếu chẳng may bị nhiễm phải loài nấm O. sinensis thì chỉ cần mùa xuân trôi qua, khi những cơn mưa mùa hạ xuất hiện thì nó chỉ còn giống như một xác ướp, hóa thành một phần của đông trùng hạ thảo.

Sau đây xin giới thiệu về sự hình thành của đông trùng hạ thảo, quá trình này trải qua 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Bướm Hepialus Armoricanus đẻ trứng và nở ra ấu trùng

Dù cho khu vực có độ cao trên 4.500m ở cao nguyên Tây Tạng có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt nhưng loài bướm thuộc chi Thitarodes vẫn có cách riêng để phát triển. Chúng đẻ trứng vào trong đất vào mùa thu, sau khi trứng nở ra, nguồn nước ngầm tinh khiết và giàu khoáng chất sẽ cung cấp những điều kiện sống cần thiết của ấu trùng .

Giai đoạn 2: Ấu trùng phát triển

Ấu trùng tiếp tục phát triển trong lòng đất, bởi mùa đông đang đến, chúng cần cố gắng thu nạp càng nhiều các chất dinh dưỡng càng tốt, nguồn dinh dưỡng này có sẵn trong đất và rễ cây. Có nhiều nghiên cứu cho rằng, chính những đặc tính thổ nhưỡng và thành phần thức ăn của ấu trùng đã góp phần tạo nên những dược tính quý của đông trùng hạ thảo sau này.

Giai đoạn 3: Bào tử nấm ký sinh trên cơ thể ấu trùng

Trong suốt mùa đông lạnh giá, ấu trùng sẽ chìm vào giấc ngủ sâu trong đất và chỉ thức giấc khi mùa xuân đến. Mùa xuân đáng lẽ là thời điểm vàng để sâu bướm đẩy nhanh tốc độ phát triển, sớm sải cánh tung bay trên bầu trời, nhưng đó là những con sâu may mắn không bị ký sinh bởi bào tử nấm O. sinensis.  O. sinensis xâm nhập vào cơ thể sâu bướm qua đường thức ăn hoặc thông qua lỗ thở của sâu. Còn về phần nguồn gốc, một lượng lớn các bào tử nấm được các cá thể trưởng thành đang trong quá trình sinh sản phát tán, rồi được gió và dòng nước đưa đi khắp nơi cho đến khi gặp được vật chủ.

Giai đoạn 4: Đông trùng hạ thảo được hình thành

Bắt đầu từ khi bị bào tử nấm xâm nhập, ấu trùng sâu non sẽ không thoát khỏi cái chết, chúng sẽ bị bào tử nấm “ăn dần” bằng cách hút hết chất dinh dưỡng. Đến thời điểm đầu mùa hạ, khi sâu bướm gần như chỉ còn là một thân xác khô thì bào tử nấm sẽ trồi lên mặt đất từ đầu của vật chủ, chính thức trở thành đông trùng hạ thảo. Nhưng vẫn cần một khoảng thời gian nữa, khoảng gần 3 tháng tiếp tục phát triển thì sản vật này mới phù hợp để thu hoạch và cho chất lượng tốt nhất.

Trên đây là bốn giai đoạn sinh trưởng và phát triển của đông trùng hạ thảo, tuy nhiên điều này giống như một quá trình kết hợp vòng đời giữa hai loài sinh vật hơn. Khi sâu bướm chết đi thì cũng là lúc phát triển hưng thịnh nhất của loài nấm, một quá trình rất tàn khốc của thiên nhiên nhưng cũng chính vì vậy đã giúp đông trùng hạ thảo có được hàm lượng dược chất quý, vượt trội giúp đưa nó lên tầm “thần dược” đối với nhiều người.