Người bị thận yếu không nên ăn, uống gì?

Thận yếu là bệnh lý xảy ra khi chức năng lọc máu và bài tiết của thận suy giảm, ảnh hưởng đến quá trình tiểu tiện và gây ra các tác động tiêu cực như: giảm chức năng sinh lý, mỏi xương khớp, rụng tóc, mãn kinh/mãn dục nam sớm, mất ngủ… Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận, dưới đây là một số nhóm thực phẩm người bị thận yếu cần hạn chế để tránh không làm tổn thương thêm cho thận.

Nguyên nhân của bệnh thận

1. Thận yếu bẩm sinh

Tỷ lệ người mắc bệnh do thận yếu bẩm sinh không cao, không quá 10%. Đối với nguyên nhân này, bệnh nhân thường được phát hiện từ sớm, cần phải được tiến hành điều trị kịp thời để ngăn ngừa bệnh diễn biến nhanh, nguy hiểm.

2. Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác

Bệnh nền cũng là một nguyên nhân rất lớn có thể ảnh hưởng hay suy giảm chức năng thận như: sỏi thận, u tuyến tiền liệt, tiểu đường…Các loại bệnh này sẽ tích tụ chất độc hại bên trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận.

3. Thừa cân, béo phì

Những người thừa cân, béo phì khiến cho công suất hoạt động của thận sẽ lớn hơn người bình thường, khi quá trình ấy diễn ra trong thời gian dài làm cho chức năng thận suy giảm, lượng mỡ thừa trong cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận và lưu thông máu trong cơ thể.

Nhóm thực phẩm người bị thận yếu cần hạn chế

1. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối

Người bệnh suy thận cần ăn nhạt, hạn chế dùng muối và mì chính, bởi chúng sẽ làm tăng oxalate trong nước tiểu, gây ra suy thận. Ăn các thực phẩm chứa nhiều muối sẽ khiến thận phải hoạt động với hiệu suất cao để đào thải lượng muối dư thừa qua đường tiểu, gây ra hiện tượng phù. Người bệnh cũng không nên ăn các món ăn như: dưa muối, cà muối, thịt, cá kho mặn, thay vào đó là ăn các món luộc, hấp để giảm áp lực lên thận. Ngoài ra, người bị thận yếu không nên ăn đồ ăn chế biến sẵn bởi những sản phẩm này thường sử dụng nhiều muối để bảo quản và không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Người bị thận yếu không nên ăn, uống gì? 1
Ăn nhiều muối có thể gây ra phù và tích nước trong thận. (Ảnh: dienmayxanh.com)

2. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường

Ăn quá nhiều đường sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên xấu hơn, buộc thận phải làm việc với hiệu suất lớn hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Người bệnh nên kiêng một số loại thực phẩm như: nước ngọt có ga, socola, bánh ngọt, kem…

3. Hạn chế hấp thụ kali

Kali là một khoáng chất có vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp tim ổn định và sự co cơ. Khi bị suy thận, khả năng đào thải kali qua nước tiểu bị suy giảm, dẫn đến tình trạng tăng kali trong máu, gây yếu cơ, rối loạn nhịp tim, ngưng tim. Kali được tìm thấy rất nhiều trong các loại thực phẩm, vậy nên người bệnh nên hạn chế thực phẩm giàu kali để có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ kali trong cơ thể. Người bệnh suy thận nên kiêng các loại rau quả nhiều kali như: trái cây sấy khô, quả mơ, dưa đỏ, kiwi, xoài, lựu, cam, cà rốt, khoai tây, chuối, cà chua, đậu tương, đậu xanh, khoai tây…

Người bị thận yếu không nên ăn, uống gì? 2
Chuối chứa nhiều kali vì vậy người bệnh thận nên hạn chế. (Ảnh: plantix.net)

4. Hạn chế thực phẩm giàu phốt pho

Phốt pho là khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giúp giữ cho các mô, cơ và các tế bào khác của cơ thể khỏe mạnh. Phốt pho cùng canxi và vitamin D giúp duy trì cho hệ xương chắc khỏe. Thận bị tổn thương không có khả năng lọc thêm phốt pho trong máu, quá nhiều phốt pho trong cơ thể sẽ khiến canxi bị loại bỏ khỏi xương, dẫn đến xương yếu, canxi lắng đọng trong mạch máu, phổi, mắt và tim, qua thời gian sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Phốt pho được tìm thấy tự nhiên trong các loại thực phẩm giàu protein như: thịt, gia cầm, cá, đậu và các sản phẩm từ sữa.  Thực phẩm giàu phốt pho bao gồm: pho mát, sữa chua, thịt nội tạng, hàu, cá mòi, thịt chế biến, các loại hạt, đậu, coca…

5. Không nên ăn thực phẩm giàu protein

Khi ăn thực phẩm có protein, protein sẽ được phân hủy và tiêu hóa, là một phần của quá trình tiêu hóa protein, chất thải được tạo ra khiến thận phải làm việc để loại bỏ khỏi cơ thể. Ăn quá nhiều protein sẽ tạo thêm áp lực cho thận của người bệnh, khiến thận hoạt động khó khăn hơn. Việc kiểm soát lượng protein dung nạp vào cơ thể giúp giảm tải quá trình thanh lọc ở cầu thận. Với người bị bệnh thận mà không phải chạy thận nhân tạo, sẽ được ăn một chế độ ăn ít protein hơn, hạn chế lượng protein và ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp làm chậm tiến triển bệnh thận và bảo tồn chức năng thận. 

Protein đến từ cả nguồn thực vật và động vật. Nguồn protein động vật bao gồm: thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng và các thực phẩm từ sữa. Nguồn protein từ thực vật bao gồm: đậu, quả hạch, hạt, đỗ, …

Người bị thận yếu không nên ăn, uống gì? 3
Nạp nhiều protein làm tăng áp lực cho thận. (Ảnh: bachhoaxanh.com)

6. Hạn chế rượu, bia và các chất kích thích

Rượu, bia là những thức uống mà người bệnh thận cần loại bỏ hoàn toàn. Acid acetic, methanol, aldehyde, cồn… trong những đồ uống này có thể làm tăng sản xuất acid lactic, buộc thận phải đào thải acid lactic khiến nồng độ acid uric lắng đọng trong các ống thận và gây suy giảm chức năng.

Một số loại rượu có nồng độ cồn cao có khả năng gây ngộ độc và suy thận cấp tính. Ngoài ra người bệnh nên hạn chế hút thuốc lá hay sử dụng tùy tiện các loại thuốc thải trừ qua thận như: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, viên C sủi…

Trà hay cà phê cũng phải những loại thức uống mà người thận yếu nên hạn chế bởi chúng kích thích thận phải hoạt động nhiều hơn.

Bài viết trên chúng tôi đã nêu ra những nhóm thực phẩm mà người bệnh nên hạn chế ăn, uống để giảm tải những áp lực gây ra cho thận, giúp quá trình điều trị và phục hồi các bệnh về thận diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bài viết liên quan