Giá trị dinh dưỡng và các món ăn từ cốm – “đặc sản của thu Hà Nội”

Cốm là thức quà tao nhã của người Hà Nội. Đây là món ăn dinh dưỡng và là đặc sản không thể thiếu vào mùa Thu, mang hương vị mộc mạc, thanh khiết nhất của đất trời. Những món ăn từ cốm được nhiều người yêu thích, ở bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một số cách chế biến các món ăn từ cốm thơm ngon bổ dưỡng!

Những công dụng của cốm

Cốm thường được làm vào mùa thu, ở giai đoạn này, hạt lúa giàu dinh dưỡng nhất, nhận đủ heo may, không quá non cũng không quá già, những hạt lúa căng mẩy đủ độ để cho ra đời những hạt cốm non, thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Trong cốm chứa nhiều protein thực vật, tinh bột, nước, lipid, gluxit, canxi và phốt pho, có lợi cho sức khỏe.

1. Giúp xương chắc khỏe

Cốm có chứa hàm lượng canxi dồi dào, giúp chắc khỏe xương, kích thích phát triển chiều cao của trẻ nhỏ.

2. Tốt cho hệ tiêu hóa

Cốm giàu chất xơ nên rất tốt cho đường ruột, trị đầy bụng, táo bón, ngừa bệnh đường ruột nhưng bạn chỉ nên ăn ở mức vừa phải, nếu ăn quá nhiều sẽ khiến bạn bị nóng trong.

3. Tốt cho người bệnh tim mạch, huyết áp

Trong cốm có chứa chất xơ, protein, vitamin… có công dụng rất tốt trong việc hỗ trợ phòng các bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm mỡ máu… Đồng thời làm giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành, giảm áp lực lên tim giúp tim luôn khỏe mạnh.

4. Giúp giảm cân hiệu quả

Thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, có tác dụng hỗ trợ giảm cân, giúp bạn có cảm giác no lâu và không thèm ăn. Bạn nên ăn cốm vào buổi sáng hoặc buổi trưa, thay cho những đồ ăn chứa nhiều calo.

5. Làm đẹp da

Chất béo và lipid trong cốm giúp làm đẹp da, giúp da luôn căng mịn, sáng khỏe, tránh mất nước, hạn chế tình trạng khô da…

Giá trị dinh dưỡng và các món ăn từ cốm – “đặc sản của thu Hà Nội” 1
Nhắc đến mùa thu Hà Nội là người ta sẽ nghĩ ngay đến cốm như một nét đặc trưng. (Ảnh: bytuong)

Cách làm một số món ăn ngon từ cốm

1. Xôi cốm

1.1 Nguyên liệu chuẩn bị

Cốm: 500g

Đậu xanh: 100g

Hạt sen: 100g

Dừa sợi: 200g

Nước cốt dừa: 200ml

Lá dứa: 5 lá

Gia vị: đường, muối

1.2 Cách làm xôi cốm 

Bước 1: Đậu xanh vo sạch rồi ngâm từ 4-6 tiếng sau đó bắc nồi lên bếp đun với lửa vừa, khi nước sôi bạn cho hạt sen vào hấp 10 phút rồi cho ra tô, tiếp tục cho đậu xanh vào hấp khoảng 20 phút. Khi hấp xong đậu xanh, bạn để đậu nguội rồi nghiền nhỏ.

Bước 2: Bắc chảo lên bếp, để lửa vừa, đợi chảo nóng rồi cho 200g dừa sợi, 30g đường vào xào khoảng 10 phút.

Bước 3: Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, đợi nồi nóng và cho 200ml nước cốt dừa cùng lá dứa, ¼ muỗng cà phê muối vào nấu sôi khoảng 5 phút.

Bước 4: Đặt nồi hấp lên bếp, đổ cốm vào, cho ít nước trong nồi và để lửa nhỏ. Đồ kỹ cho đến khi thấy hạt cốm dẻo là được, bạn lấy cốm ra tô, cho đậu xanh đã giã nhỏ, hạt sen, dừa nạo, nước cốt dừa trộn đều với nhau. Vậy là món xôi cốm đã hoàn thành!

2. Chè cốm cốt dừa

2.1 Chuẩn bị nguyên liệu

Cốm tươi (khô): 150g

Bột sắn dây: 40g

Đường phèn: 200g

Lá dứa: 10 lá

Nước cốt dừa: 200ml

Dừa non thái sợi: 200g

2.2 Cách làm chè cốm cốt dừa

Bước 1: Nếu là cốm khô khi mua về cần nhặt sạch sạn và vỏ trấu, đãi lại với nước lạnh sau đó để ráo nước, đối với cốm tươi thì không cần phải sơ chế. Lá dứa rửa sạch rồi cuộn lại sau đó luộc lên, vớt bỏ lá dứa ra, cho đường phèn vào hòa tan.

Bước 2: Sau khi đường tan, bạn rắc cốm vào và tiếp tục đun sôi, lưu ý để nhỏ lửa cho cốm chín đều, nở to và có màu xanh.

Bước 3: Hoà bột sắn dây với đường phèn vào một bát nhỏ, tùy khẩu vị thích ăn ngọt hay nhạt khác nhau mà bạn có thể tăng hoặc giảm lượng đường cho phù hợp với khẩu vị. Cho hỗn hợp bột sắn dây và nước chè sau đó khuấy đều tay, khuấy từ từ đến khi có độ sánh thì cho nước côt dừa vào. Đun với lửa nhỏ khoảng 5 phút rồi tắt bếp.

Bước 4: Khi chè đã chín, bạn tiến hành múc ra bát, rắc dừa nạo lên trên. Nếu thích ăn lạnh thì có thể thêm vài viên đá nhỏ cùng thạch đen vào và thưởng thức.

3. Chả cốm

2.1 Chuẩn bị nguyên liệu

Giò sống: 250g

Thịt nạc xay nhuyễn: 150g

Cốm tươi: 100g

Lá sen hoặc lá chuối

Gia vị: Tiêu, hành khô, muối, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn

2.2 Cách làm chả cốm

Bước 1: Trộn giò sống, thịt nạc xay vào trong âu lớn, thêm một ít hạt tiêu để tăng thêm hương vị. Cho cốm vào hỗn hợp thịt và trộn đều, cho thêm một muỗng nhỏ dầu ăn vào âu thịt, quết đều rồi bọc màng bọc thực phẩm sau đó để trong ngăn mát tủ lạnh trong khoảng từ 30-35 phút.

Bước 2: Lấy âu hỗn hợp thịt ra ngoài, vo viên vào lòng bàn tay và nặn dẹp với hình dạng tùy thích cho đến khi hết. Sau đó đặt lá sen hoặc lá chuối vào đáy nồi hấp, đặt viên chả cốm lên trên rồi hấp trong khoảng 10-12 phút.

Bước 3: Bắc chảo dầu lên bếp đun nóng. Khi dầu sôi, bạn thả từng viên chả cốm vừa hấp chín vào và chiên vàng đều các mặt. Vậy là món chả cốm thơm ngon chuẩn vị đã hoàn thành.

Giá trị dinh dưỡng và các món ăn từ cốm – “đặc sản của thu Hà Nội” 2
Chả cốm xuất hiện nhiều trong bữa cơm thường ngày của nhiều gia đình. (Ảnh: qdnd.vn)

4. Cốm xào

4.1 Nguyên liệu chuẩn bị

Cốm tươi (khô): 200g

Đường: 80-100g

Dừa nạo: 50g

4.2 Cách làm món cốm xào

Bước 1: Hòa đường với 1 chút nước lọc và đun đến khi nước sôi và sánh, khi đường đã sôi thì cho cốm vào.

Bước 2: Dũng đũa hoặc thìa tre đảo nhẹ nhàng thật đều cho cốm hòa quyện vào sốt đường sánh mịn.

Bước 3: Trình bày ra đĩa rồi rắc phần dừa nạo lên trên và thưởng thức.

5. Bánh cốm

5.1 Chuẩn bị nguyên liệu

Cốm: 300g

Đậu xanh đã bỏ vỏ: 50g

Đường: 80g

Vừng rang chín

Bột nếp

Dầu ăn

Nước hoa bưởi

Lá nếp

Nước: 300ml

5.2 Cách làm bánh cốm

Bước 1: Đậu xanh rửa sạch, ngâm trong khoảng 3-4 tiếng rồi đem hấp chín. Sau khi đậu xanh đã chín, cho vào máy xay sinh tốt cùng một ít nước và 30g đường, xay thật nhuyễn.

Bước 2: Cốm rửa qua nước cho sạch rồi ngâm cốm với nước lạnh trong khoảng 1 tiếng cho cốm nở mềm. 

Bước 3: Cho phần đậu xanh đã xay nhuyễn cùng dầu ăn và ½ chỗ bột nếp đã chuẩn bị vào chảo. Đặt chảo lên bếp sên nhỏ lửa cho đến khi đậu xanh khô ráo thì rắc một nửa chỗ vừa đã chuẩn bị cùng vài giọt nước hoa bưởi vào. Dũng đũa đảo đều để vừng và nước hoa bưởi trộn đều vào đậu rồi cho đậu ra bát.

Bước 4: Cho nước cùng đường và lá nếp vào chảo, đun cho tan đường thì cho cốm vào xào trên lửa nhỏ. Dũng đũa quấy đều để cốm không bị bén chảo. Khi cốm đã khô ráo, các hạt cốm đã tan hết là được.

Bước 5: Xoa dầu ăn vào tay cho khỏi dính rồi nặn cốm thành hình vuông, đặt miếng cốm vào một miếng màng bọc thức ăn rồi xúc một ít nhân đậu xanh dàn đều vào giữa miếng cốm. Tiếp đó nặn một miếng cốm tương tự đặt chồng lên trên. Cuối cùng rắc một chút vừng vào bề mặt của bánh cốm, nắn lại các mép của bánh cho đẹp hơn rồi gói lại.

Giá trị dinh dưỡng và các món ăn từ cốm – “đặc sản của thu Hà Nội” 3
Bánh cốm như một thức quà nhiều người yêu thích. (Ảnh: sưu tầm)

6. Kem cốm

6.1 Nguyên liệu chuẩn bị

Cốm tươi: 100g

Kem sữa tươi: 150ml 

Sữa tươi không đường: 150ml 

Sữa đặc: 3 thìa

Muối: ½ thìa nhỏ

Khuôn làm kem

6.2  Cách làm kem cốm

Bước 1: Cốm đem rửa sạch, ngâm trong nước lạnh khoảng 1 tiếng, 1 nửa đem xay với sữa, 1 phần để nguyên hạt.

Bước 2: Lá nếp đem rửa sạch, thái nhỏ xay với 1 chút nước, rây lấy nước cốt.

Bước 3: Cho 1 nửa cốm vào máy xay sinh tố rồi thêm sữa đặc, sữa tươi, muối và nước cốt lá nếp xay thật mịn.

Bước 4: Kem sữa tươi đổ vào âu, dùng máy đánh trứng đánh bông trong khoảng 5-7 phút. Đổ hỗn hợp cốm và sữa đã xay mịn ra âu lớn, thêm sữa kem tươi và phần cốm còn lại vào và trộn đều.

Bước 5: Đỗ hỗn hợp vào các khuôn kem, cho vào ngăn đá từ 8-9 tiếng là có thể thưởng thức.

Ngoài ra còn nhiều công thức làm các món ăn từ cốm khác, nhưng 6 cách làm trên đây là phổ biến và được nhiều người áp dụng hơn cả. Cốm mang hương vị của thu, một hương vị rất riêng của Hà Nội, bạn đừng quên thưởng thức cốm trong mùa thu này nhé!

Bài viết liên quan